Chính sách - Chiến lược Phòng chống sử dụng không gian mạng để lừa đảo trong tình hình hiện nay
Không gian mạng với nền tảng là khoa học, đổi mới, sáng tạo đang phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, không gian mạng cũng trở thành môi trường thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có các hành vi lừa đảo, xảy ra ở nhiều địa bàn, lĩnh vực như: tài chính, môi giới việc làm, đưa người đi lao động nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử... gây thiệt hại lớn và bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Bài viết sẽ khái quát thực trạng tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo và một số vấn đề đặt ra trong phòng, chống thủ đoạn lừa đảo trong tình hình hiện nay.
CÁC PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY
Thời gian qua, với sự phát triển nhanh, mạnh của không gian mạng, số vụ lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, có yếu tố nước ngoài, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Trong năm 2023, Bộ Công an phát hiện, xác minh hàng nghìn vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác lập hàng trăm chuyên án đấu tranh, khởi tố hàng trăm vụ án và bị can [1]. Qua thống kê, có hàng chục thủ đoạn lừa đảo khác nhau, nhưng tập trung vào một số phương thức chính như sau:
Một là, sử dụng địa bàn nước ngoài để nhắm mục tiêu lừa đảo trong nước, đáng chú ý nhất là hành vi dụ dỗ, lôi kéo công dân Việt Nam sang Campuchia dưới hình thức tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là làm việc trong các công ty trá hình của đối tượng thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng nhắm vào Việt Nam. Nếu làm việc không đạt chỉ tiêu sẽ bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác, bắt phải tuyển mộ lao động mới thay thế hoặc yêu cầu gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước.
Hai là, tội phạm lừa đảo sử dụng dịch vụ VoIP mạo danh cơ quan thực thi pháp luật để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại đến máy điện thoại bàn, điện thoại di động, thông báo cho người bị hại là họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án, chuyên án cơ quan Công an đang điều tra như: Buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia...và đã có Lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản Ngân hàng. Sau đó các đối tượng dùng những lời lẽ đe dọa về việc người bị hại sẽ bị bắt tạm giam để điều tra và yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để xác minh, cung cấp điều tra. Thủ đoạn này khiến người bị hại lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng.
Ba là, tội phạm chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại. Đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là tài khoản Facebook, Zalo) của người bị hại, sau đó giả mạo chủ tài khoản nhắn tin với người quen trong danh sách bạn bè của người bị hại nhờ chuyển tiền, thanh toán, mua thẻ cào điện thoại… vào một số tài khoản ngân hàng các đối tượng chuẩn bị từ trước. Bị hại thường là người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại nước ngoài; người dân thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, đặt mật khẩu yếu. Cá biệt, có nhiều trường hợp sau khi lừa xong, các đối tượng có thể hỏi mượn tài khoản của người bị mất tiền để thay đổi thông tin bảo mật tiếp tục hoạt động lừa đảo.
Bốn là, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội kết bạn, xây dựng tình cảm và hứa hẹn gửi quà có giá trị. Thông qua mạng xã hội, đối tượng tìm hiểu, làm quen với người bị hại, sau đó tâm sự những chuyện riêng tư nhằm tạo niềm tin rồi hứa hẹn tặng quà, bảo lãnh đi nước ngoài hoặc ngỏ ý giúp đỡ tạo điều kiện để kinh doanh… Sau khi người bị hại tin tưởng thì các đối tượng thông báo sẽ chuyển tiền hoặc đồ vật có giá trị từ nước ngoài về Việt Nam. Kế tiếp các đối tượng cho người đóng giả làm nhân viên Hải quan, Thuế hoặc Công an… gọi điện thoại thông báo với người bị hại là quà tặng bị tạm giữ khi về đến sân bay, bến cảng do có giá trị lớn nên buộc các nạn nhân phải chuyển tiền để nộp thuế hoặc “hối lộ” cho cán bộ Hải quan, Công an… Sau đó các đối tượng cung cấp số tài khoản cho người bị hại yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt tiền của bị hại.
Năm là, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tấn công hộp thư điện tử email, chiếm quyền điều khiển. Chủ yếu do các tổ chức tội phạm nước ngoài thực hiện như Nigeria, Nam Phi… Chúng sử dụng các biện pháp kỹ thuật giả mạo, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển email của các doanh nghiệp, cá nhân có quan hệ kinh doanh, thanh toán tiền với các đối tác nước ngoài, thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương, không có bộ phận quản trị mạng chuyên trách, kiến thức bảo mật chưa cao để lừa đảo. Sau đó thay đổi các thông tin giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt thông qua các hợp đồng kinh tế, các tài khoản nhận tiền do các đối tượng chỉ định thường được mở tại các ngân hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam dẫn tới khó khăn trong việc thu hồi tiền và tài sản đã bị chiếm đoạt.
Sáu là, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức phishing lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền. Đối tượng giả mạo thư điện tử trong có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân hoặc đối tượng đóng giả là người mua hàng từ những người kinh doanh online trên mạng Internet.
Bảy là, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử. Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng và yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của người bị hại.
Tám là, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc thông qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản). Xuất hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình đa cấp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Các doanh nghiệp này thường xây dựng hệ thống tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, gây thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Chín là, gọi điện giả danh cơ quan chức năng để hướng dẫn cài đặt VNeID. Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh xây dựng công dân số, xã hội số, phát triển kinh tế số, thời gian qua, một số đối tượng đã thực hiện các thủ đoạn giả danh lực lượng Công an để lừa đảo thông qua hình thức gọi điện thoại kích hoạt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Thủ đoạn thường gặp là gọi điện cho người dân, gửi đường link liên kết qua tin nhắn Zalo, Viber, Facebook… yêu cầu truy cập và cài đặt phần mềm VNeID giả mạo. Sau khi cài đặt, ứng dụng VNeID đã được cấp quyền truy cập ở mức cao, tội phạm đã chiếm được quyền điều khiển thiết bị, bao gồm đọc dữ liệu cá nhân, đọc tin nhắn chứa mã OTP, thực hiện các lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.
CÁC BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Các biện pháp đấu tranh
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chủ động tham mưu và thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu cho Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, như: Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CTTTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, chủ động ban hành nhiều Kế hoạch đấu tranh, phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng như: Kế hoạch số 316/KH-BCA-C02, Kế hoạch số 282/KH-BCA-A05, Kế hoạch số 201/KHBCA-A05 [2].
Thứ hai, triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa: phối hợp với nhiều cơ quan báo chí, đài truyền hình... thực hiện hàng chục phóng sự và hàng trăm tin, bài cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tuyên truyền về kết quả đấu tranh, triệt phá các vụ án nhằm răn đe, trấn áp tội phạm; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - Internet thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các trang web có dấu hiệu hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kịp thời ngăn chặn một số website, ứng dụng di động giả mạo hình ảnh, hoạt động của Bộ Công an nhằm trộm cắp thông tin của người dùng, có dấu hiệu sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành quy định của pháp luật, phối hợp cơ quan Công an trong đấu tranh với tội phạm.
Thứ ba, tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ đấu tranh trực tiếp với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng: Tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các đối tượng có điều kiện, khả năng hoặc có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và các cá nhân, tổ chức hoạt động dưới các hình thức dễ phát sinh lừa đảo; rà soát, đưa vào diện giám sát chặt chẽ một số website, hội nhóm trên mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trang web, ứng dụng giả mạo nhằm trộm cắp thông tin của người dùng, có dấu hiệu sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số khó khăn còn tồn tại
Mặc dù lực lượng chức năng đã chủ động tiến hành các biện pháp công tác để phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, qua đó đã chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, kiềm chế được sự tăng nhanh của loại tội phạm này, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
Một là, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Phần lớn người dân thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm, thiếu kiến thức về bảo mật thông tin, lo sợ bị mất uy tín, thời gian khi báo cơ quan Công an. Trong nhiều trường hợp, bị hại không trình báo kịp thời tới cơ quan Công an khiến cho đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, gây khó khăn cho công tác đấu tranh và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Hai là, công tác tuyên truyền phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng còn chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được mối quan tâm, sự cảnh giác của người dân, nhất là tầng lớp trung và cao tuổi, hưu trí, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; trong khi phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp.
Ba là, hoạt động triển khai công tác nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn do các đối tượng, đường dây, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động trên lãnh thổ nước ngoài, đặt ra thách thức cho công tác đấu tranh.
Bốn là, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng… còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - Internet, dịch vụ OTT, dịch vụ ngân hàng ở trong và ngoài nước còn nhiều sơ hở, thiếu sót, chưa có biện pháp hiệu quả để siết chặt việc quản lý cấp mở tài khoản ngân hàng, SIM không chính chủ tạo điều kiện cho đối tượng lợi dụng để ẩn danh.
Năm là, đối tượng thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có sự hiểu biết về công nghệ thông tin và chuẩn bị kế hoạch một cách kỹ lưỡng trước khi thực hiện hành vi phạm tội; thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, sử dụng tài khoản “ảo”, thay đổi địa bàn hoạt động khiến công tác xác minh, điều tra, thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn.
Sáu là, công tác phối hợp của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (nhất là các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - Internet) trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có lúc, có nơi chưa kịp thời; gây ảnh hưởng tới tiến độ điều tra, xác minh tin báo, vụ án, vụ việc.
TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong những năm tới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, không gian mạng ở Việt Nam, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh, diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi, nguy hiểm. Để tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thời gian tới, lực lượng chức năng cần tập trung vào các nội dung sau:
Một là, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành về công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng; có chế tài bắt buộc đối với các nhà mạng viễn thông – Internet, ngân hàng phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; ngăn chặn, phong tỏa tài khoản ngân hàng kịp thời, xác định dòng tiền, định danh giao dịch bằng sinh trắc học…
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn, hậu quả và nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; hướng dẫn công an địa phương sử dụng nhóm (Zalo, Viber, Telegram…) của Tổ dân phố/Khu dân cư vào công tác tuyên truyền, cảnh báo phương thức thủ đoạn lừa đảo để phòng ngừa, khuyến khích người dân tố giác tội phạm, cộng tác với cơ quan Công an trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Ba là, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sử dụng không gian mạng an toàn. Hướng dẫn người dân các kỹ năng an toàn thông tin khi hoạt động trên không gian mạng.
Bốn là, tăng cường hiệu quả công tác nghiệp vụ phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, tập trung sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chuyên biệt để nâng cao hiệu quả đấu tranh.
Năm là, xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thanh toán điện tử đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút nhân tài, người có trình độ về công nghệ thông tin, viễn thông, an toàn thông tin, an ninh mạng. Triển khai các chương trình đào tạo về phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng chuyên sâu, mang tính đặc thù cho lực lượng chuyên trách, đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng.