Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Trần Duy Đổng
..
Theo Gia phả dòng họ Trần ở thị trấn Tiên Điền thì Trần Duy Đổng là con út trong một gia đình thuộc đời thứ 10 của dòng họ Trần. Ông sinh năm 1835, tự là Hán Sĩ, hiệu là Nghi Trai. Dù nhà rất nghèo nhưng các anh em nhà ông đều rất chăm chỉ, ham học và lễ phép.
Năm 1852, ông dự thi Hương, đáng lẽ đậu hạng cao nhưng vì bài thi có một chữ tẩy xóa nên phạm quy, bị đưa xuống Tú tài. Năm 1864, ông tiếp tục dự thi và đậu thứ ba.
Sau khi thi đỗ Cử nhân, Trần Duy Đổng lần lượt được bổ dụng làm Huấn đạo, giáo thụ rồi Tri phủ.
Sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân dục chép về khoa thi năm Giáp Tý, đời Tự Đức thứ 17 (1864), ở trường Nghệ An lấy 19 người đậu, trong đó Trần Duy Đổng xếp thứ 3: “Trần Duy Đổng, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Làm quan tới chức Tri huyện, lãnh giáo thụ”[1]
Sách Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh cho biết: “Trần Duy Đổng, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, làm tri huyện, lĩnh giáo thụ”[2]. Sách Nghi Xuân địa chí cũng cho biết: “Trần Duy Đổng tên tự là Hán sĩ, quê làng Tiên Điền. Sinh năm Giáp Ngọ - 25 tuổi đỗ đầu xứ. Khoa thi Giáp Tý (1864) thời Tự Đức, đỗ thứ 3 thi Hương”[3]. Sách Giáo dục và khoa cử Nho học Hà Tĩnh (1075-1919) cũng chép: “Trần Duy Đổng, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Tri huyện, Giáo thụ”[4]
Gia phả dòng họ cho biết: Ông là người ham học, ham đọc sách. Cho đến khi về hưu đã gần tám chục tuổi mà đầu giường vẫn có tủ sách hàng trăm cuốn để đọc khi nhàn rỗi. Khi làm Tri phủ, ông vẫn mở lớp học bình văn cho những ai muốn tập bài. Học trò đến học rất đông, tiếng đồn tới quan Tổng đốc. Quan Tổng đốc trình lên triều đình, vua Tự Đức cho là điều hay, không kỷ luật mà khuyên ông nên lấy nhiệm vụ Tri phủ làm chính.
Học trò ông ở quê nhà có Tiến sĩ Trần Sĩ Trác (người xã Đan Tràng, đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân (1884), đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, năm thành Thái thứ nhất – 1889); Tiến sĩ Nguyễn Mai (người xã Tiên Điền, đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1900), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, năm Thành Thái thứ 16 - 1904)… và nhiều Cử nhân, tú tài thời Nguyễn khác.
Ở Tiên Điền, Nghi Xuân hiện vẫn lưu truyền câu chuyện: Hồi ông Nguyễn Mai còn ít tuổi, thấy ông Mai thông minh có nhiều triển vọng thành tài, nên ông đưa về nuôi cho ăn học, kết quả là sau này ông Mai đã đậu tiến sĩ. Khi về vinh quy bái tổ, ông Nguyễn Mai đã mặc nguyên áo mũ Đại Triều đến chào tạ ơn thầy học, thấy vậy ông Trần Duy Đổng đã chắp tay vái ông Mai hai vái. Ông Mai chưa hiểu lệ nhà vua nên có ý ngạc nhiên, ông Đổng liền nói: “Tôi lạy là lạy áo mũ Đại Triều của anh (ý nói nhà vua) chức không phải lạy cá nhân anh”.
Trần Duy Đổng là người chính chắn, chu đáo và cẩn trọng trong lời nói và việc làm, chỗ ông ngồi có câu đối:
“Thiên diệc nhất ban: thành, ái, kính
Nhật thường tam trích: niệm, ngôn, hành”
Ý muốn nói: Trời sinh ra con người, phải dạy cho thành thật, thân ái và kính trọng. Còn việc làm thì phải suy nghĩ thật khi đặt vấn đề, suy nghĩ kỹ khi nói và suy nghĩ kỹ khi hành động”.
Đến năm 60 tuổi, Trần Duy Đổng xin về hưu trí sĩ tại quê nhà. Nhân sự kiện này, đông đảo học trò của ông đã đến chúc mừng, lập bài văn khắc thành Bia đá để tặng thầy học của mình.
Trần Duy Đổng mất năm 1913, hưởng thọ 78 tuổi, khi mất được triều đình phong: “Đại phu Hàn lâm viện thị giảng, hiệu là Đoan Thận Tiên sinh”.