Chuyển đổi số - Xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược
VTV.vn- Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn cầu. Đây cũng là con đường bền vững và ngắn nhất để Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện
Tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án, các báo cáo, ý kiến đánh giá cho thấy, chuyển đối số quốc gia và triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong nửa đầu năm.
Theo đó, trong 6 tháng, Chính phủ đã ban hành 8 nghị định. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư. Đến nay, đã đơn giản hóa 828/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, trong đó trong 6 tháng đầu năm, đã đơn giản hóa 242 thủ tục. 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn đã có Internet băng thông rộng; 100% cơ quan từ Trung ương đến cấp xã đã được kết nối với mạng số liệu chuyên dụng. Trong 6 tháng đã xóa 256 điểm lõm sóng, lõm điện.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Nhờ vậy, 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản VNeID đã được cấp.
Đến nay, đã có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm đã cấp mới 4,8 triệu tài khoản và 13,9 triệu hồ sơ được nộp.
Ngoài ra, 43/53 dịch vụ công thiết yếu đã được triển khai, tăng 5 dịch vụ công so với cuối năm 2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội 3.500 tỷ đồng/năm.
Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh, ở cấp bộ là 46,4%, tăng 22,1%; ở cấp địa phương đạt 58,1%, tăng 14,6%. Từ 1/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách khẳng định: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - phát triển kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không riêng của Việt Nam và đây có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam hướng tới một tương lai ngày càng tươi sáng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, chuyển đổi số là con đường phát triển nhanh và bền vững, là phương thức phát triển mới để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Con đường là đúng rồi, phải làm nhanh, phải thúc đẩy mạnh mẽ, phải tạo ra các kết quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: VGP)
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - cho thấy, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhưng đến năm 2021, Việt Nam đã đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo, Việt Nam đều đứng thứ 1. Báo cáo của Google xác định, kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, năm 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 đã xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 29, Thái Lan xếp thứ 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm. Các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từ 45% - 55%.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay đã có bước tăng trưởng đột phá, hiện nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước năm 2020.
Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống
Với chiếc điện thoại thông minh, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn đều đã, đang và tiếp tục tham gia chuyển đổi số theo cách của riêng mình.
Theo báo cáo Digital Vietnam 2024 của Datareportal, 95,7% người dân Việt Nam sở hữu điện thoại di động với 98,9% sử dụng internet qua điện thoại di động. Thời gian sử dụng internet trên điện thoại di động trung bình là 3 giờ 30 phút/ngày. Tỷ lệ người truy cập internet thông qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh mẽ, từ 14,71% (năm 2013) đến 40,13% (năm 2020) và vượt 84% (năm 2023).
Nhiều người vẫn nghĩ chuyển đổi số là điều gì đó xa xôi, là việc của các cơ quan, tổ chức lớn. Tuy nhiên, thực tế là người dân vẫn đang từng ngày, từng giờ tham gia vào chuyển đổi số bằng những việc cụ thể như quét mã QR.
Mã QR giờ đây xuất hiện ở hầu hết mọi nơi, giúp người dùng thanh toán nhanh chóng và tiện lợi hơn
Hiện nay, đi đến đâu chúng ta cũng có thể thấy các mã QR, từ những người bán rau, tài xế taxi cho tới những nhà hàng lớn. Mã QR giúp người dân không cần phải mang theo tiền mặt nữa mà thay vào đó, chỉ cần một chiếc điện thoại. Thậm chí, với người bán hàng, dù điện thoại không có kết nối mạng nhưng vẫn có thể nhận được tiền khi khách hàng thanh toán qua mã QR cung cấp bởi cửa hàng.
Chuyển đổi số còn thể hiện qua việc người dân đã biết tận dụng lợi thế lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội, sử dụng tính năng phát sóng trực tuyến (livestream) để quảng bá sản phẩm, giúp tăng khả năng kết nối đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn so với hình thức bán hàng trực tiếp, từ đó mở rộng thị trường và cải thiện doanh thu.
Hiệu quả của sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng
Hiện tại, chuyển đổi số ở nông thôn, những vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn bởi nhiều lý do như cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, năng lực công nghệ thông tin của đa số bà con còn hạn chế… Để giải quyết những khó khăn này, các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập.
Tổ công nghệ số cộng đồng là một trong những sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông; được thành lập để tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong giải quyết nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Kể từ năm 2022, trên cả nước đã có hơn 80.000 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 400.000 thành viên. Sau hơn 2 năm triển khai, lực lượng này đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương.
Mô hình tổ công nghệ số cộng đồng đang được nhân rộng trên khắp 63 địa phương
Tổ công nghệ số cộng đồng mang tính toàn dân, giải bài toán đặc thù của Việt Nam, thực hiện chủ trương "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu trong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau". Mô hình tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã xuất hiện những cách làm hay, hiệu quả, đó là dựa vào sức dân để phần nào giải quyết những khó khăn về kinh phí đầu tư và nguồn nhân lực.
Chuyển đổi số là lĩnh vực hoàn toàn mới, với nhiều nội dung và đòi hỏi phải hiểu biết sâu, có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ công nghệ số cộng đồng có các nhân sự giàu kinh nghiệm giúp người dân từng bước hòa nhập với xu thế mới. Khi người dân hiểu về giá trị của chuyển đổi số, họ không chỉ trở thành công dân số mà còn trực tiếp đóng góp tiền bạc, công sức vào quá trình chuyển đổi số địa phương.